Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Không đề

Một ánh mắt ngoan đợi cuối con đường
Một nụ cười xinh len vào suy nghĩ
Có tia chớp nào vừa qua ký ức
Như là nỗi buồn không dễ tan phai...

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Ngoại


(Bài cũ từ Fabook)

Ngoại là một trong ba cán bộ tiền khởi hiếm hoi còn lại ở phường Đồng Mỹ, cùng với cụ Trần Sự (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) và cụ Thái Bá Nhiệm (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ), hai bậc giai lão anh hùng.

Ngoại tham gia cách mạng từ những ngày đầu Việt Minh họp bàn khởi nghĩa giành chính quyền ở Nhà nhóm thôn Trung - Võ Ninh. Thực ra hồi đó ngoại còn quá trẻ. Ba mình kể đùa: thành tích cách mạng nổi bật của ngoại là mặc quần đùi chạy theo ông Tuynh cùng bác Triển kéo cờ Việt Minh, đánh trống đả đảo, đi cổ động hô khẩu hiệu và làm chân sai vặt trong các cuộc họp. Cứ họp hành là không bao giờ thiếu ngoại. Bây giờ ngoại đã 88 tuổi rồi, già lắm rồi, tai lãng rồi, rứa mà không có việc chi là ngoại bỏ sót.

Ngoại gần như bị điếc nhưng khi đeo máy trợ thính thì cũng nghe lõm bõm được. Ngoại rất quan tâm đến tình hình thế giới. Chuyện gì ngoại cũng bàn. Vật bất li thân của ngoại là chiếc radio bán dẫn. Hằng ngày, ngoại răn dạy con cháu thông qua những bài nghe được trên đài. Thấy điều gì chướng tai gai mắt, ngoại lập tức phản đối. Thực ra là ngoại cứ nói một mình còn mọi người đang nói chuyện khác cũng không sao. Ngoại không giận vì ngoại không nghe được. Có hôm cả nhà đang nói chuyện cái Lan (em gái mình) dại dột nhẹ dạ cả tin. Nghe được chữ Lan, ngoại lập tức nói: “Nước Hà Lan hả? là một nước rất hay, người dân toàn đi xe đạp còn chống lụt thì cực kỳ luôn! Đê biển Hà Lan số 1 nì! Chắc hơn đê biển Việt Nam nhiều, không dổm mô!”.

Hehe. Đúng là trẻ nói gà ông già nói vịt. Lẫn lộn lung tung.

Ngoại hay đi bộ dọc bờ biển. Mỗi ngày ngoại đi tận 6km: sáng 4km, tối 2km. Bất kể mưa hay nắng không bỏ sót một ngày nào. Người ngoại gầy tong, chỉ còn 37kg mà bền bỉ nổi tiếng. Cả phường Đồng Mỹ không ai đi tập thể dục mà không biết ngoại. Ngoại thường mặc một chiếc quần đùi mỏng rộng thùng thình và khi trời mưa thì cầm theo cả ô. Ngoại là Nhóm trưởng Nhóm đi bộ Tiểu khu 4, gồm phần nhiều các bà các cô. Ngoại trêu: “Các cô váy ngắn, giày vớ đầy đủ mà đi không lanh. Tại vì sao? Tại vì chân hơi to mông hơi to một chút. Khơ khơ. Lão đây toàn xương nhẹ, quần đùi mỏng giày bata không có tất nên đi lanh hơn. Khơ khơ khơ”.

Ngoại là người tiết kiệm nổi tiếng trong nhà. Ngoại có không biết bao nhiêu là sổ tiết kiệm. Tháng nào ngoại cũng gom lương còn thừa ra để gửi tiết kiệm. Ngoại giao cho con gái yêu (mama mình) làm Tổng quản thu chi Quỹ tiết kiệm. Mama gửi như thế nào phải viết thật chi tiết vô một cuốn Sổ thống kê tiền tiết kiệm. Ngoại giữ khư khư cuốn sổ này bên người, còn cách gửi tiền cụ thể trong ngân hàng như thế nào có hay không có ngoại không cần biết. Đúng là một cách quản lý vô cùng quan liêu.

Có nhiều lần hồi đi học cao học bị thiếu tiền, mình vẫn mượn tạm tiền tiết kiệm của ngoại xài, mama cứ làm động tác vô sổ đều đặn. Cuối tháng ngoại ngồi tính tính toán toán kết quả trong sổ đã đạt thặng dư được bao nhiêu tiền, dự trù sẽ cho ai sau này. Mình thì cứ xài đều đặn. Lợi ích ghê gớm. Hehe.

Vì là cán bộ tiền khởi, tiêu chuẩn của ngoại rất cao. Ngoại được Nhà nước cấp cho một đám đất rộng 90m2 trên đường lớn Lý Thường Kiệt, giá cả tỷ bạc mà chỉ phải nộp có 20 triệu đồng, nhưng hệ cháu ngoại như mình không được xơ múi gì. Ngoại chúa ghét chia phần kế thừa cho cháu ngoại. Mình hay nịnh ngoại: “Cho con đám đất đó để con có chổ con thi triển công phu thiết kế nhà phố siêu cấp đi ngoại ơi”. Lần mô cũng bị ngoại rỉa rói: “Mi làm kỹ sư chi mà dở ẹc à. Phải tự mua đất mà xây với vẽ chớ. Đất Đồng Hới còn đầy ra đó. Tau già rồi chỉ quyết tâm gây dựng cho hai đứa đích tôn thôi” :))

Nhưng nhà mình thì ngày mô ngoại cũng sang. Là tại vì trong nhà có một kỳ thủ cờ tướng rất cân tài cân sức với ngoại, đó là ông ba mình.

Nhìn ông con rể và nhạc gia đánh cờ buồn cười chết được. Ông con rể thì hay khích bác, ăn quân ầm ầm. Nhạc gia thì thua miết vẫn cười khơ khơ khơ. Tính ngoại không tự ái. Ngoại có tật đi quân xong cứ cầm giữ luyến tiếc mãi, ý chừng còn có thể đi được một nước cao hơn, siêu hơn nữa. Ông ba thì không đời nào chấp nhận, thành ra cứ hay chụp tay ngoại không cho đi lại.

Mới hôm trước mình còn bày cho ngoại một nước chiếu bí làm papa thua hoàn toàn. Đáng ra lấy quân xe ngang ăn vào quân sỹ sau đó sẽ song xe chiếu hết cờ thì ngoại lại tấn xe dọc xuống, nhằm con sỹ, miệng nói: “Ăn chết mất tiêu con sỹ này. Ăn chết con sỹ này. Chết chưa? Kha kha”, tay bỏ luôn quân cờ vào túi. Vô tình làm cho papa có lối thoát, bật chiếu ngược lại làm ngoại thua.

Mình bực dọc nói: “Ngoại ăn ngang xe vô thì hết cờ rồi. Hấp tấp quá!”.

Ngoại cười: “Ừ há, ăn vô ri cái thì tướng nằm cheo ngoeo chết tiêu rồi. Ái chà sai thiệt, sai thiệt. Thôi đánh lại khơ khơ khơ…”.

Ngoại có thêm món sở trường nữa là viết chữ Hán. Không có cụ nào trong Hội bảo thọ mất mà ngoại không viết vài chữ ai điếu. Bây chừ ngoại là trưởng lão của hội bảo thọ. Ngoại còn bắt thằng cu Minh đánh máy điếu văn cho mình. Ngoại tổng kết đời mình bằng đoạn thơ:

Trên sáu mươi tuổi Đảng
Cận chín chục tuổi đời
Tiền khởi đã có rồi
Chữ hiếu - trung giữ trọn

Thêm cả thơ lục bát nữa:

Già thì lo lấy bản thân
Ai mà góp ý cũng cần tiếp thu
Nhưng rồi năm liệu bảy lo
Chung quy thì cũng mình lo lấy mình
Cho nên phải cố luyện thân
Ăn uống điều độ, tinh thần thảnh thơi
Đôi lời nhắn nhủ ai ơi...

Vần điệu lục bát đôi chổ trúc bị trúc trắc lạc nhịp. Nhưng lần mô đọc lại cũng thấy thương thương ngoại.

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Gầm trời và chim chim


"nằm trên mái lá nghỉ ngơi
bi h ngay dưới gầm trời là ta
một con chim lượn qua à
thì giờ ở dưới trời và con chim" [1]

cái gì dáng tựa mũi kim
nhô lên như thể "cái đinh" của mình
tình ơi ngộ thế hở tình
bi h thì dưới trời và chim - chim [2]
----------
[1] Trích bài Dưới, thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh 2007, đăng lại trên facebook 2013, tứ thơ rất ngộ.
[2] Đoạn sau xuyên tạc để phục vụ Sư - Sol - Lý - Bằng, những chuyên gia chim Việt :))

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Chiến khu xưa

Chiến khu xưa là cách mình quen gọi khu du lịch sinh thái Vực Quành. Là tâm huyết một đời của ông Nguyễn Xuân Liên, người lính quê gốc Hà Tây, đối với quê hương đất Quảng.

Khu Vực Quành tái tạo không gian sống của một chiến khu năm xưa, thời chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Là người từng sống với máu và nước mắt trên đất lửa, chắc chắn ông Nguyễn Xuân Liên hiểu hơn ai hết ý nghĩa của việc phục dựng lại những gì xưa kia. Giống như sự thôi thúc từ tiềm thức ám ảnh.

Nếu Quảng Bình có một nơi bé nhỏ khác lạ để đưa bạn bè đến chơi, thì đó chính là Chiến khu xưa này!
Ngay từ những năm đầu tiên Vực Quành được tái dựng, mình rất mê khu du lịch này. Mình đã đến đây không dưới 10 lần. Có nhiều lúc, chỉ đến một mình. Thường vào buổi chiều vắng, chọn một chỗ nào đó khuất nẻo giữa Vực Quành, ngồi im lặng thật lâu để lắng nghe những nhịp thở từ xa xăm vọng về, mang mang nỗi niềm hoài cổ.

Tất cả bạn bè mình từ nơi đâu đến thăm Quảng Bình đều được kéo vào đây.
Lối vào Chiến khu xưa đẹp liêu trai như trong tranh thủy mặc
Mình may mắn quen biết bác Nguyễn Xuân Liên, tuy rằng chưa bao giờ gặp mặt. Lần đầu tiên đưa những bức ảnh này lên Yahoo! 360 Plus, bác Liên có vào còm-ment cảm ơn. Năm 2012 qua Facebook mình nhiều lần nói chuyện với ông. Quả là một con người có tình yêu Quảng Bình nồng nhiệt. Chỉ cần xem những gì ông viết là thấy phơi lộ cả tấm chân tình. Nói thẳng ra tình yêu của ông làm cho bản thân mình cảm thấy hổ thẹn. Nhiều lúc tự hỏi, một người Hà Nội có thể đổ hết tâm huyết cho mảnh đất này, tại sao không có người con Quảng Bình chung sức? Ông Liên bỏ tất cả sức lực và tiền bạc ông có để dựng nên Vực Quành, nhưng những gì ông nhận lại thật đắng đót.

Cảm nhận của riêng mình bác Liên là một người cá tính và rất thẳng, đôi lúc đến mức cực đoan. Dịp 19/2/2013, ông hỏi mình có quan tâm đến sự kiện kỷ niệm chiến tranh biên giới phía Bắc và vấn đề Bôxit Tây Nguyên không? Mình trả lời rằng, tất cả các vấn đề thời sự cháu đều theo dõi có chính kiến của riêng mình, nhưng hiện tại vì một số lý do cá nhân mà cháu không muốn trao đổi nhiều về chuyện chính trị. Ông lập tức shared trên Facebook một bài phê phán sự hèn nhát của những người "không muốn nói chuyện chính trị". Chắc ông rất thất vọng. Từ đó về sau mình với ông không liên lạc với nhau.

Công bằng mà nói, nếu biết tận dụng Vực Quành để làm du lịch đúng nghĩa, nó sẽ là một điểm du lịch hoài niệm hái ra tiền. Mình đánh giá rất cao sự độc đáo của Vực Quành, chắc chắn du khách nước ngoài sẽ rất yêu thích nó. Không gian Vực Quành thích hợp với cả trẻ con và người lớn, lại đủ thoáng rộng mê hoặc. Vấn đề là phải tổ chức cho được các dịch vụ dã ngoại, không phải chỉ có đi và nhìn. Làm sao để kết nối tour và giữ chân các đoàn khách đến tối thiểu nửa ngày, vừa tham quan vừa vui chơi, ăn uống... Về tiền bạc, mình nghĩ nếu có kế hoạch chu đáo, không một người Quảng Bình nào lại không muốn chung tay góp sức vào. Cái Vực Quành thiếu có lẽ là một doanh nhân chuyên nghiệp.

Quả đắng của sự thờ ơ chung là một Vực Quành tàn phai như hiện trạng. Mình nghe một người bạn nói, bây giờ bác Liên chán đến mức chẳng thèm đặt chân vào lại Quảng Bình. Vực Quành thì đang trên đà sụp đổ. Thỉnh thoảng mình vẫn ghé ngang qua. Nhìn cánh cổng mục gỉ chợt thót tim chẳng dám bước vào, chỉ biết đứng thật lâu để trong lòng nhói lên những câu thơ cũ:

Thành quách ở đây, anh hùng nơi đâu?
Lòng ta nhói đau qua miền Tần Hán [1]

Thật sự rất buồn, giống như lạc giữa miền âm vọng điêu tàn ảo não.
Những căn nhà thoáng rộng giữa rừng cây
Các cựu chiến binh ngoại quốc vô cùng thích thú
Không chỉ riêng người lớn mà các em nhỏ cũng rất thích thú
Ông Liên buồn bã bên đống đổ nát sau khi một căn nhà bị đốt cháy
Hiện tại buồn với tương lai bất định
-------
[1] Hai câu này trong phim Anh hùng xạ điêu của CCTV, chỉ nhớ mang máng.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Niềm vui mở cõi

Đã khá lâu rồi từ cái ngày đầu tiên đi xe máy trên đường Hồ Chí Minh lên Quy Đạt, mỗi lần đi xuyên qua rừng rậm nguyên sinh vẫn cảm thấy đẹp lạ kỳ. Không ở đâu tôi tìm được cảm giác sảng khoái như khi phóng xe vèo vèo từ Đồng Hới lên tới Ngã ba Pheo, có lẽ chỉ có lần chạy xe máy lên dốc đứng Bà Nà là gần giống nhất, lên Hải Vân Quan vẫn thua một bậc.

“Băng qua đèo Đá Đẽo
Vèo tới Ngã ba Pheo”.

Phóng xe chạy men sườn Đông Trường Sơn, nghe phơi phới niềm vui của người đi mở cõi!
Thượng Hóa - Minh Hóa
Đường Hồ Chí Minh mang vẻ đẹp của một công chúa đánh thức rừng già. Nơi nào đường đi qua, bản làng vui như trẩy hội. Những địa danh như Thượng Hóa, Troóc, Chà Nòi… ngỡ chẳng bao giờ được thấy bóng mặt trời, đường đi qua, dân làng túa ra hai bên đường lập nghiệp. Trâu bò heo chó đi lại nghênh ngang ngoài đường, một vài đoàn người còn ngồi bệt nghỉ chân bên vệ đường hoặc..nằm ngủ. Cảnh sắc rất đỗi thái bình. Hai bên đường là bóng rậm cây cối của rừng già nguyên sinh, thỉnh thoảng gặp một vài đoàn xe thi công đang dọn dẹp những viên đá to từ trên đỉnh dốc cao lăn xuống.

Qua Trường Sơn, thấy khâm phục biết bao những vĩ-nhân-đi-bộ của Tổ quốc ta. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng,...ai chưa từng đi suốt dãy Trường Sơn? Đặc biệt Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, một người Kinh đích thực của rừng già vĩ đại. 

“Có đi mới biết dặm dài
Trèo non, băng suối xứng tài nam nhi”

Các danh tướng Việt Nam đi suốt 30 năm chiến tranh vào Nam ra Bắc, làm sao kể xiết bao gian khó nhọc nhằn? Đường Hồ Chí Minh xưa đích thị là đường mòn, vừa ngoằn ngoèo, vừa khó đi, vừa bị lùng sục ném bom…Tôi không hiểu hết bao lâu thì một tướng quân xuất phát từ Bộ Chính trị tập kết tại Bộ Chỉ huy tiền phương, và vì sao đến được đó ông lại không lăn đùng ra ốm. Sức chịu đựng của thế hệ trước thật tuyệt vời, bao khó khăn rình rập: muỗi rừng, vắt rừng, thú dữ, bom đạn, sốt rét rừng.v.v…Có lẽ chỉ có những anh hùng mang trong mình dòng máu Đỏ mới đủ dũng cảm để làm được điều này. Đừng thắc mắc gì khi chỉ 3 chữ: ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN đã mang trong mình cả một huyền thoại. Tuổi trẻ chắc chẳng thể nào đủ trải nghiệm để hiểu trọn vẹn.

“Dặm ngàn Xuyên Á quanh co
Đèo cao, dốc thẳm, hang dài, khe sâu
Anh hùng giữa cuộc bể dâu
Chí cao dựng nghiệp há đâu sơn hà”

Trường Sơn hôm nay đã khác lắm hôm qua. Mong rằng ngày mai sẽ còn khác nữa. Sự yên bình của rừng Trường Sơn làm tâm hồn lắng dịu đi rất nhiều.

Tham nhũng hành quân ca


Quan phụ mẫu phất phơ dải mũ
Con dấu to rực rỡ tuyết sương
Ung dung ngồi giữa quan trường
Chập chờn như thể ba đầu sáu tay


Trong mười bước phong bì bén nhạy
Nghìn dặm xa ai biết mà chi
Việc xong rủ áo ra đi
Xóa tan thân thế, kể gì tiếng tăm

Rảnh rang đến bên B uống rượu
Rút dấu ra, kề gối mà say
Chả kia với chén rượu này
Rót đưa em út, chuốc mời đại ca

Ba chén cạn sá gì đáng kể
Tiền chất cao xem tựa lông hồng
Bừng tai hoa mắt chập chùng
Tuôn lời hào khí phê rừng tham quan

Chữ đã ký vung tay khẳng khái
Đám dân đen run rẩy, bàng hoàng
Giám đốc, kế toán hai chàng
Tiếng tăm "hiển hách", võ vàng…nhà lao

Thân dù thác "thơm" xương tham nhũng
Thẹn chi ai tiền bạc trên đời
Ngân sách nhà nước ngậm ngùi
Còng lưng tóc trắng đầu người thứ dân.

(Nhại thơ “Hiệp Khách hành” của Lý Bạch, bản dịch Trần Trọng San)

Bạo chúa không nhà

Tần Thủy Hoàng bước lên đài đăng cơ
Doanh Chính cùng bú sữa mẹ Cao Tiệm Ly mà lớn lên ở nước Triệu. Cả tuổi thơ được tiếng đàn của Cao xua đi nỗi sợ hãi cùng cực lúc nào cũng thấy thanh gươm báo thù của nước Triệu giáng xuống đầu mình. Khi 13 tuổi Chính được đón về làm Tần Vương. Dọc đường quân Tần đẩy Cao Tiệm Ly xuống.
Tần Vương Chính treo sáu thanh bảo kiếm ngay trước đại điện nước Tần, thề diệt sáu nước. Tần vương cử đại tướng quân Vương Tiễn dẫn 100 vạn đại quân phá tan quân Hàn, Triệu, Ngụy, lần lần như tằm ăn lá. Vua Tần giao ước khi nào diệt xong lục quốc sẽ cho Vương Bôn - con trai Vương Tiễn - kết hôn với con gái yêu nhất của mình - công chúa Lạc Dương.
Tần chưa diệt Yên thì thái tử Đan nước Yên đã sai Kinh Kha sang hành thích vua Tần - vụ hành thích thứ 15! Trước khi đi Kinh Kha xin đầu Phàn Ô Kỳ để dâng Tần Vương. Cao Tiệm Ly tấu biệt khúc tiễn đưa. Phàn khóc mà nói: “Ô Kỳ này có tài cán gì mà được nghe Thánh sư gãy đàn? Nghe xong khúc nhạc này đầu Kỳ rơi cũng mãn nguyện”. Nói xong mồ hôi chảy ròng ròng vươn cổ ra chịu chết. Nhưng Kinh Kha có đầu Phàn Ô Kỳ và địa đồ đất Yên cũng không làm sao tiếp cận được Tần Vương. Giữa điện Tần, đến phút cuối Kha mới thét lên rằng: “Cao Tiệm Ly cắt một ngón tay cuốn vào địa đồ để can ngăn đại vương, mong đại vương đừng lạm sát người vô tội!”. Tần Vương rúng động vì ngỡ Tiệm Ly đã tự chặt tay - cái quý nhất của người chơi nhạc - nên mới sai Kinh Kha mở địa đồ. Kha nhân đó lén đâm Tầm Vương. Tần Vương giận, hạ chiếu làm cỏ nước Yên.

Nước Yên bị diệt, Cao Tiệm Ly bị bắt làm tù nhân, bị xâm chữ lên mặt. Tần Vương hối hận cử người săn sóc Ly và muốn Ly làm bài “Tần ca” để động viên binh sỹ nước Tần, cũng là để đánh vào lòng người thiên hạ. Ly kháng mệnh tuyệt thực. Quân sĩ dùng dùi sắt và đóng búa cạy miệng Ly nhưng đổ bao nhiêu nước sâm vào lại bị Ly phun ra hết. Tần Vương bất lực.
Lạc Dương công chúa xin được chinh phục Ly. Công chúa nói: “Con muốn bắt Cao Tiệm Ly phải dạy nhạc cho con, làm một cái bóng của con, làm ngựa cho con cưỡi”. Sau đó nàng dùng chính thân thể của mình trao cho Ly để Ly chịu ăn. Than ôi bậc kỳ tài có cương cường đến đâu đã há miệng ra rồi thì quai hàm tự khắc mắc lại. Ly thần phục công chúa và sau đêm đó thì yêu nàng thật lòng. Nàng cũng vậy, được nhiệt huyết của Ly truyền cho tự khắc khỏi cả bệnh liệt bẩm sinh. Nàng tung tăng như chim.

Công chúa Lạc Dương và Cao Tiệm Ly - Bản tình ca ám ảnh
Vương Tiễn diệt xong nước Sở, giữa triều cung chất vấn Tần Vương: “Cha con thần vì tội gì mà phải chịu nỗi nhục này? Xin đại vương đầu Cao Tiệm Ly để rửa nhục cho thần”. Tần Vương hỏi: “Lý Tư, luật nước Tần phụ nữ phạm tội hiếp dâm thì phải xử thế nào?”. Lý Tư lúng túng. Vua hỏi Triệu Cao, Triệu Cao nói luật pháp Tần không định tội đó. Vua nói: “Không ai thưa kiện thì xử làm sao?”. Rồi an ủi Vương Bôn: “Kể như Cao Tiệm Ly là người chữa cho công chúa lành bệnh liệt. Vậy là hắn có ơn với ngươi lần này. Nếu lần sau tái phạm ta sẽ xử cung hình để ngăn ngừa tái phạm”. Nói rồi phong Bôn làm đô thống soái đốc thúc việc xây đài đăng cơ Hoàng đế, và thưởng cho vô số vàng bạc.

Cao Tiệm Ly được tha chết nhưng vẫn không chịu viết Tần Ca. Một đêm nọ quân Tần bắt được ở công trường các nô lệ nước Yên một tảng đá ghi: “Doanh Chính chết thì đất bị chia”. Tần vương bắt tất cả 3 vạn nô lệ ở đó xích thành xâu, mỗi xâu 100 người, cứ đánh một tiếng trống giết một người đến khi nào tìm ra tội phạm. Quân Tần giết người đến cùn hết dao kiếm, máu loang đỏ cả một đoạn sông. Cao Tiêm Ly khóc chảy máu mắt xin chết thay. Vua Tần nói: “Lời lẽ quê mùa thô lậu nhất định không phải do nhạc sư như ngươi viết!”. Ly nói: “Đại vương giết quá nhiều người vô tội”. Vua nói: “Ngươi không biết rằng dân chúng chỉ là một quân cờ của đế vương sao?”. Sau đó dẫn Ly sang điện thờ hàng ngàn vạn người Tần chết thảm trong suốt 570 năm trước những cuộc tấn công của Tề, Sở, Hàn, Yên, Triệu, Ngụy. Vua nói: “Lục quốc có nước nào là không dính máu người Tần. Kẻ làm vua như ta trong đời chỉ được chơi một ván cờ người. Từng nước từng nước đâm giết nhau không cách nào thoát ra được. Nếu Tần không diệt Yên, Triệu thì Yên, Triệu sẽ diệt Tần”. Ly đành phải khóc lạy xưng thần và nhận tước Đại nhạc sư đồng thời hứa viết Tần Ca. Tần Vương tha cho 2500 nô lệ Yên còn lại sống sót.

Vương Tiễn diệt Tề. Lạc Dương sắp phải lấy Vương Bôn, chạy vào gặp Cao Tiệm Ly trách oán chàng phụ bạc. Ly không kìm được lại ái ân với nàng. Vua Tần nổi giận lệnh xông mù mắt Ly bằng nước đái ngựa. Ly chịu phục không nói gì. Nhà vua khóc: “Ta cả đời chỉ ước ao ngươi gọi ta một tiếng “đại ca”. Âm nhạc của ngươi có thể làm ta cười, tức cũng có thể làm cả thiên hạ cười. Có thể làm ta khóc, tức cũng có thể làm cả thiên hạ khóc. Sao ngươi không gọi một người tri âm như ta một tiếng đại ca?”.
Trước lễ đăng cơ của vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa là một tấm thảm kịch về mặt nhân bản trong con người ông ta. Công chúa Lạc Dương cắn lưỡi tự sát ngay trước lễ hợp cẩn. Vương Bôn quá uất giận vì ngay đến cử chỉ trả thù nhỏ nhất là giày vò công chúa cũng không làm được, y đã quẫn trí chặt tay rồi chặt chân, khoét ngực, móc mắt và cuối cùng moi tim nàng. Bọn thái giám vu cho họ Vương giết người để tận diệt cả nhà Vương Tiễn, trừ một “chim ưng” tốt nhất cho Thủy Hoàng. Nàng công chúa đẹp như tiên sa và mạnh mẽ như nam nhi (Thủy Hoàng có lần than: “Than ôi! Nếu Lạc Dương là hoàng nam thì ta đã có một người nối dõi”) trước khi chết đã lên xe hoa với dấu kình nô lệ đỏ chót như son trên mặt. Nàng nói với Tiệm Ly: “Vì thiên hạ, phụ vương đã cầm tù thiếp và chàng, hai người ngài thương yêu nhất”.
Lễ đăng cơ của Thủy Hoàng đế thật sự là một đại cảnh hoành tráng và kỳ công, nhưng lại được thổi hồn bằng hai chi tiết:
- Cao Tiệm Ly lấy đàn quật vào Tần Thủy Hoàng. Ly nói: “Ta muốn người đời sau chép sử ghi rằng cho đến khi đăng quang vẫn có người đánh Hoàng đế”. Thủy Hoàng cười: “Sử là do ta ghi lại mà thôi”. Ly trước khi chết gọi: “Đại ca…”.
- Động tác cuối cùng: Tần Thủy Hoàng sau khi ném cây đuốc vào đại lư hương trên lễ đài cao nhất, đã quỳ xuống khóc rưng rức cô đơn như một đứa trẻ không nhà!
Vị vua vĩ đại nhất thống nhất Trung Hoa đã khóc vì cuộc sống “không gia đình” như thế đó!

***
Chuyện phim là một chuỗi những chi tiết chính sử và dã sử đan cài, thể hiện được cái xác thực của lịch sử cũng như vẻ kỳ diệu của những câu chuyện thêu dệt trong dân gian. Ở đây có thể gặp một Thủy Hoàng vừa quả quyết vừa cô đơn; một Cao Tiệm Ly vừa đam mê vừa bế tắc; một Hồ Hợi vừa ác độc vừa phì nộn; và cả một Từ Phúc vừa ma mị vừa giảo hoạt. Nhưng nổi bật hơn cả là trí tưởng tượng tuyệt vời của đạo diễn để xây dựng nên một công chúa Lạc Dương đẹp tuyệt trần lại mang cả tài năng của Tần Thủy Hoàng lẫn niềm đam mê của Cao Tiệm Ly. Vậy nên cái chết của nàng mới thảm thương đến thế. Vì nàng quá hoàn hảo chăng?

Tần Thủy Hoàng là một bạo chúa đúng nghĩa. Ông ta chơi trò chơi đế vương trên xác hàng triệu sinh linh. Thừa biết Từ Phúc nói dối mình mà vẫn trao cho y 600 đồng nam đồng nữ. Vua nói: “Nếu hắn không bỏ xác ngoài biển thì sẽ dương danh Đại Tần ra bốn biển. Nếu hắn chết thì chẳng qua ta giết hắn với 600 mạng người mà thôi”. Chỉ có ông ta mới xứng đáng với lễ tế thủy thần kỳ vĩ trên sông Hoàng Hà. Một tâm hồn cô độc cùng cực trong một tài trí tuyệt luân! Cho nên gây bao cảnh tang thương cho bách tính. Thủy Hoàng nói: “Ta vì đại kế cho thiên hạ, sá gì tai ách lũ dân đen". Than ôi, vì đâu nên nỗi?

Thuyền bay trên sông

Nâng chén Võ Tòng, vượt Trường Sơn.

Cạn ly trên sông, ra Cửa Đại.


Đây là hai câu chuyện nhậu đã lâu lắm rồi, từ thời ta còn sinh viên và vừa mới đi làm. Có thể thời gian đã xóa đi không gian kiêu hùng một thời, nhưng cái thần thái hào sảng như các tráng sỹ lục lâm nơi bến nước Thủy Hử xưa thì còn mãi.

Thuyền độc mộc men theo các khe đá ven sông
Chuyến đi Trường Sơn năm ấy, 4h30 sáng, thuyền xuất phát từ ngã ba sông, nơi hợp lưu của hai dòng Kiến Giang và Long Đại. Một nhóm người chúng ta đổi thuyền nhỏ để lên thuyền lớn, chạy ngược dòng Long Đại lên mãi tít thượng nguồn. Trên thuyền, rượu thịt bày ra như ở rừng. Một súc thịt heo luộc chín, một can rượu Võ Xá cháy lưỡi, một con dao to. Mỗi người tự xẻo cho mình một khoanh thịt heo, sau đó nâng bát lên, và uống. Uống xong với tay ra khỏi mạn thuyền, chao bát bằng nước sông trong vắt, sau đó đặt thịt vào bát, rồi ăn. Uống vài bát là có thể cởi phăng áo ra, trần mình giữa gió thổi phần phật trên sông, nói như thét lạc cả giọng giữa bốn bề sóng cả.

Ra Cửa Đại nhậu giữa rừng dừa nước có cái thú vị riêng. Ba người ngồi trên một chiếc thuyền nan, thuyền rất nhỏ, khoát tay là thuyền chạy. Ngồi thật vững, không thì thuyền sẽ chòng chành, lật lúc nào không biết. Người ngồi giữa kiêm nhiệm vụ tát nước mỗi khi thuyền nghiêng nước vào. Cốc rượu nhỏ chuyền tay, không mồi, không sóng lớn. Thuyền đi quanh co giữa rừng dừa nước Cửa Đại như đi vào một mê cung. Từng thân dừa thâm thấp, chỉ lá dừa nhô lên khỏi mặt sông xanh ngút mắt. Con thuyền nan lướt êm ru qua “4 cánh tay chèo”, vừa khoát nước vừa kể chuyện kim cổ Đông Tây, vừa uống rượu vừa canh chừng sợ quá chén thì lăn xuống sông Thu Bồn lúc nào không biết.

Khoát tay chèo thuyền nan len lỏi giữa rừng dừa rất khinh khoái
Rừng dừa nước Cửa Đại đẹp tuyệt vời. Cái đẹp lãng mạn của hoang sơ trộn với chút dữ dội của biển cả. Cửa Đại là nơi sông Thu Bồn đổ ra biển Đông, ngồi trên thuyền nan, tầm mắt có lúc bị chặn bởi những rặng dừa xanh, nhưng có lúc lại đột ngột được phóng thẳng ra một thế giới quang đãng phía chân trời mà xa kia là biển cả, bạn sẽ thấy cái hấp lực của sự khám phá thú vị như thế nào. Bữa đó tụi tôi quên đưa cồn, cũng chẳng mang cần câu, nếu không thì sẽ có thêm những món nhậu live trên sông kỳ tuyệt thú. Tuy nhiên cái đẹp khi được đặt chân lên một vùng đất xa lạ như thế cùng đủ mãn nguyện rồi!

Tuy nhiên về mức độ nguy hiểm phải kể đến chuyến trốn mưa rừng Trường Sơn. Có một lần đi nghiệm thu ở xã Trường Sơn, đoàn về hơi muộn vì trời đã bắt đầu tối. Ở trên vùng núi cao này chỉ mới 4h chiều mà đã tối như 6h dưới xuôi. Mọi người trong bản khuyên nên ngủ lại mai về vì sợ gặp mưa rừng. Do bận việc, ta quyết định liều về. Khi xuống thuyền độc mộc đi được một lúc thì mưa rừng ập đến. Mưa nguồn. Thuyền chạy đến đâu mưa đuổi theo đến đó. Ban đầu mưa rít ngay sau thuyền, có thể thấy nước bắn sau lưng. Càng lúc sau mưa càng đuổi gần rồi trùm phủ lên thuyền. Mưa rát mặt. Mọi người đều mang áo mưa mà vẫn ướt như chuột lột, ai cũng co quắp vì rét. Nước chảy ào ào vào thuyền. Ba người giữa lòng thuyền thay nhau tát nước.
Nếu thuyền không đi nhanh sẽ bị mưa rừng và lũ cuốn

Thuyền lướt như điên luồn lách qua các khe đá. Có những lúc tưởng như thuyền đã va vào đá tảng vỡ tan. Cũng may ông lái thông thuộc địa hình, sau một vài cú đánh lái là thuyền lại vào luồng. Có người sợ quá bàn nên lên bờ nghỉ lại đợi đến dứt mưa hẵng đi. Ông lái bảo: “Liều đi, ở lại chỉ có chết rét thôi, mưa thế này dứt thế quái nào được. Từ trước đến nay mới chỉ có…mấy người chết thôi mà!”. Mọi người ngồi nghe cứ có một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, cũng chẳng biết làm gì hơn, cảm giác giống như là đang ngồi chờ chết vậy.


Nguy hiểm nhất là khi thuyền phóng lướt qua các tảng đá to. Lúc đó, nước tràn qua phiến đá tạo thành một thác nước nhỏ, trên đỉnh “thác” nước chỉ xâm xấp mép đá khoảng hai gang tay, phía dưới nước tung bọt trắng xóa. Ông lái thét: “Ngồi lùi vào, ôm chặt ván thuyền”, xong rú ga phóng vọt thuyền lao qua “thác”. Đáy thuyền khẽ cạt mặt đá đánh khấc một cái, đã thấy thuyền bay ra lơ lững giữa không trung. Thuyền chỉ bay trong độ 2-3 giây thôi mà cảm giác như ai nấy đều thót mình hẫng đi thật lâu, rồi tất cả vỡ òa thành tiếng khi thuyền đáp xuống. Một cảm giác thoát chết làm mọi người ôm nhau reo hò, chỉ thiếu nhảy lên la hét.

Bây giờ Trường Sơn đã có đường Hồ Chí Minh lên tận bản, đường cũ không đi nữa. Mỗi lần nhớ lại cảm giác thuyền bay lơ lững trên sông, cứ chợt liên tưởng đến cảnh Hán Cao Tổ múa kiếm giữa mây bay mà hát:
"Đại phong khởi hề, vân phi dương
Uy gia hải nội hề, quy cố hương
An đắc mãnh sỹ hề, thủ tứ phương"


Dịch nghĩa:

"Gió lớn thổi chừ, mây bay ngang
Danh vang bốn biển chừ, về cố hương
Sao thu được dũng sỹ chừ, giữ bốn phương"


Dịch Việt ngữ thì khó mà hay, nhưng cái xúc cảm hùng tráng đặt giữa không gian mây bay thì thật là khinh khoái!