HỒI THỨ NHẤT:
Cầm kiếm lệnh, chỉnh đốn gia môn.
Chịu ơn dân, ra tay giáo hóa.
Nói chuyện thiên hạ dông dài. Việt Nam ta từ thời Thượng cổ vốn thuộc dòng giống Lạc Hồng, trải qua nghìn năm Bắc thuộc, rồi chiến tranh loạn lạc liên miên, đến năm 1975 mới tái hợp thành một quốc gia thống nhất. Trên bắt đầu có thể chế gọi là xã hội chủ nghĩa, dưới thì tạo lập chính quyền cơ sở. Lại phân chia ra quận huyện phường xã miên man. Tình hình địa chính rối ren. Hết nhập vào rồi lại tách ra. Tách xong rồi lại nhập. Chỉ riêng tiền đổi bảng tên cũng mất đến vài vạn lượng.
Quảng Bình vốn là đất Ô Châu ngày trước, sau 1975 nhờ có cảm hứng từ bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” mới được nhập vào một dãy Bình-Trị-Thiên. Đến tháng 7 năm Kỷ Tỵ 1989 vì lý do các vị lãnh đạo đi họp xa quá dễ nổi thói ham chơi nên lại được tách ra. Ngành giáo dục nhờ thế cũng bị phân chia. Sở biến thành Ty. Ty biến thành Sở. Chuyện lịch sử rất dông dài thế sự.
Chế độ xã hội chủ nghĩa nêu cao sự nghiệp trồng người. Chủ trương cấp thiết đào tạo ra những học sinh chăm ngoan luôn “tự hào ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”. Còn nhớ những năm 90 trở về trước, đây là cụm từ tập làm văn bắt buộc. Dù có giỏi giang đến mấy mà viết khác đi là dễ bị “tréo cẳng ngỗng” như thường.
Ở xứ Đồng Mỹ cách đây hơn 50 năm vốn có một ngôi trường, tên gọi là Cấp 3 Đào Duy Từ. Trong trường mấy năm sau thành lập một khối chuyên, sôi nổi nhất là Chuyên Toán. Sau này chiến tranh loạn lạc, trường bị bom Mỹ san phẳng. Tất cả môn sinh đều phải sơ tán lên chiến khu học tập. Trong số các môn sinh Chuyên Toán thời đó về sau có những người rất nổi danh trên chốn giang hồ, như TS Trần Tiến Dũng, đương kim Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, hay PGS.TS Phan Quang Minh, hiện là Trưởng khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 30 năm sau trường lại được tái lập trên nền cũ đất xưa. Vẫn mang danh Đào Duy Từ, nhưng lại đổi tên từ Cấp 3 ra Phổ thông trung học. Sau lại đổi thành Trung học phổ thông. Đây toàn là những bước cải cách giáo dục quan trọng cả.
Đúng thời kỳ này thì sự nghiệp giáo dục theo phương pháp rèn gà chọi lại lên cao, rồi còn cả món bí kíp bộ đề thi, rồi mở trường thực nghiệm, rồi đổi sách, đổi hệ phổ thông.v.v…Tất cả nháo nhào cả lên. Mỗi môn phái người ta đều thi đua nhau đem môn sinh ra làm thí nghiệm.
Lại nói về Chưởng môn nhân PTTH Đào Duy Từ lúc bấy giờ họ Dương tên gọi Viết Tuynh, vốn dòng dõi Dương gia thế phiệt. Dương sư phụ là người tâm huyết rất mực yêu thương chăm bẵm cho các nhân tài. Trước khi sư phụ nắm quyền thì mỗi năm toàn tỉnh ước độ chỉ có vài môn sinh thi đậu đại học. Dương chưởng môn ôm ấp hoài bão lớn, quyết tâm mỗi năm phải kiếm cho bằng được vài chục tấm bằng đại học xanh đỏ về cho tỉnh nhà. Tuy nhiên cứ nhìn sâu vào thực trạng khi đó thì tình thế khó khăn bội phần.
Sau khi nhậm chức, Dương chưởng môn cất công tìm kiếm các bậc chí sỹ tiền bối ở khắp mọi nẻo đường để nhờ hiến kế. Một ngày nọ, sư phụ được bậc cao nhân mách bảo: “Ở chốn Cao Lao Hạ miền Ba Trại có đồi thông rất cao, kế bên hồ nước lớn, phong thủy cực kỳ tuyệt diệu. Trên đỉnh đồi có bậc tôn sư võ học ngày ngày cuốc đất trồng rau. Ông ta vốn người họ Lưu, là danh sỹ bậc nhất đương thời. Sao không đến đấy mà hỏi?”.
Dương chưởng môn mừng quá liền cảm tạ. Ngay sau đó chọn ngày lành tháng tốt, tắm rửa trai giới, xức nước hoa sạch sẽ rồi cùng tiểu đồng nhắm hướng Bắc lên đường.
Vừa gặp Lưu tôn sư, ông ta nói ngay: “Các hạ lên đây quyết ý kiếm cho được mấy trăm tấm bằng đại học về cho đất Quảng, có phải không?”.
Họ Dương giật mình: “Thưa phải. Sao tôn sư lại biết?”.
“Nhìn cái mặt cầu tài của ngươi là biết. Nhưng ta thấy, ngươi không phải là người mắc bệnh thành tích, ta sẽ giúp cho. Hãy trình bày cái chí của mình đi”.
“Thưa tôn sư, sự học nói thì khôn cùng. Nơi đâu có người tài, nơi đó nghiệp học sẽ nở rộ. Tuy nhiên theo số liệu điều tra của tại hạ thì kể từ lứa đi Tây những năm 70-80, Quảng Bình ta đột nhiên bị hẫng mất đi một quãng. Người vào đại học lèo tèo. Nhân lực thì thiếu thốn. Nhân tài thất thoát. Nếu không kịp thời chỉnh đốn thì mai này chỉ còn những người học Trung cấp may ra mới chịu trở về xây dựng quê hương thôi”.
“Ngươi nói đúng. Bây giờ ngươi muốn kéo con em xông vào các trường đại học. Đã có kế gì chưa?”.
“Tại hạ tài hèn sức mọn, nghiên cứu mấy cái phương pháp cải cách giáo dục thì ù hết cả đầu. Hiện giờ muốn mở một lò võ để luyện gà nòi”.
Lưu tôn sư nhấp một ngụm nước lọc, nói: “Ý ngươi như cái bài Tàu anh qua núi, muốn dùng một đầu tàu mạnh để mở đột phá khẩu, có phải không?”.
“Thưa phải”.
Tôn sư bèn lấy ra ba tập hồ sơ: “Đây là ba bộ bí kíp độc tôn bí truyền của ba môn phái lớn nhất hiện nay. Hà Nội có Chuyên Amsterdam, Sài Gòn có Chuyên Lê Hồng Phong, Huế có môn phái Quốc Học. Nhà ngươi chọn cái nào?”.
“Tại hạ thấy ba phái này toàn là các đại môn phái, địa bàn đóng chỗ trọng yếu, nhân tài như nước chảy lại được nhà nước bao cấp kinh phí nhiều lắm. Quảng Bình mình e rằng kham không nổi”.
“Vậy cho ngươi xem cái này”. Nói xong Lưu tôn sư đưa cho họ Dương thêm hai bộ hồ sơ, một của Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) và một của Phan Bội Châu (Nghệ An). Các số liệu phân tích đều rất chi tiết. Dương trưởng môn xem qua một lượt, lấy làm tâm đắc lắm bèn mừng rỡ nói: “Hai môn phái này đầu tư không lớn nhưng lại thu hoạch được nhiều. Gia giảm tí chút là có thể dùng cho Đào Duy Từ được”. Nói rồi bèn cúi đầu cảm tạ.
Ra về, Lưu tôn sư ân cần dặn dò: “Đầu tàu tuy trọng yếu nhưng sức lan tỏa càng quan trọng hơn. Làm thế nào để kéo được nhiều toa tàu đi mới là nhiệm vụ nặng nề của các hạ. Hãy nghiên cứu kỹ hồ sơ mà áp dụng. Quảng Bình ta vốn đất địa linh nhân kiệt, ta ngày đêm ngóng chờ các hạ khai phá nhân tài”.
Dương sư phụ cảm cái ơn ân cần giúp đỡ, khóc rồi bái biệt mà đi.
Từ đó sư phụ rất chịu khó một mình lặn lội khắp chốn đồng quê mời bằng được các danh sư về luyện võ. Lại mở ra các lò võ để thu hút nhân tài. Sau đó xin Sở Giáo dục cho thành lập khối chuyên để có đất cho các môn sinh thi thố võ nghệ. Nghiệp học tiến phát không ngờ. Về sau số võ sinh thi đổ đại học kể đến hàng trăm. Tron chỉ mấy năm mà tụi con em Quảng Bình đã đem tiếng Bọ truyền bá ra khắp tứ xứ.
Từ năm Canh Ngọ đến năm Quý Dậu 1993 thì khối chuyên thứ nhất ra đời. Đó chính là lớp vét cuối cùng của hệ chuyển đổi cải cách giáo dục. Khối này chỉ có mỗi một hệ phái là Chuyên Toán, tuy nhiên cũng đã đào tạo ra nhiều kiếm thủ thành danh trên chốn giang hồ. Ví như anh Hoài về sau du học Úc Châu, anh Nhật sang Trung Nguyên học Thanh Hoa, Nguyễn Song Hiển hiện tại mới luân chuyển về quê làm Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy…
Các sư cô và sư phụ cũng không kém phần "vô đối":
- Sư phụ Bùi Khắc Sơn chuyên luyện môn Toán Pháp Đại Cương, sau làm Phó Chưởng môn Đại học Quảng Bình.
- Sư cô Trần Minh Hòa luyện Hóa Pháp Đại Cương, về sau làm Chưởng môn nhân THPT Chuyên.
- Sư phụ Hoàng Đảm luyện Toán Pháp Đại Cương, sau nối chức Dương sư phụ làm Chưởng môn THPT Đào Duy Từ.
- Sư phụ Nguyễn Văn Ty luyện Hình Học Đại Cương, và sư phụ Mai Sơn Hà luyện Vật Lý Đại Cương, sau đều thăng chức làm Chưởng môn THPT Bán công Đồng Hới.
- Sư phụ Hoàng Minh Tuy luyện Vật Lý Đại Cương, sau được vời về làm Phó Chưởng môn THPT Chuyên.
Rồi còn sư phụ Trần Xuân Bang, sư cô Hằng Hải, mama Hằng, papa Danh… Toàn là các "hào kiệt anh hùng", "giang hồ lịch duyệt"!
Đúng thật là:
Danh sư cùng gặp cao đồ.
Kìa xem đất Quảng phất cờ tiến lên.
Muốn biết Dương chưởng môn cùng lũ đệ tử làm ăn ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.
Định dạng lỡm quá ợ :(
Trả lờiXóaCho cỡ chữ to lên phát cho dễ đọc Lão Phích à!
Trả lờiXóaCái món chứng minh không phải Rô - bốt của bác Phích lằng nhằng quá, cmmt mất công lắm bác à!
Trả lờiXóaBỏ cái đó ở đâu chú Sol? bác kệ quách quan trọng giề rô-bô với k rô-bô, tinh thần lấy cốt càng giản dị đơn sơ lại càng yêu quý :D
XóaCái món rô-bô đã hết chưa chú Sư ơi?
XóaHết roài!
XóaKKCT hình như bê nguyên từ FB sang đây mà?
Trả lờiXóa