Chiến khu xưa là cách mình quen gọi khu du lịch sinh thái Vực Quành. Là tâm huyết một đời của ông Nguyễn Xuân Liên, người lính quê gốc Hà Tây, đối với quê hương đất Quảng.
Khu Vực Quành tái tạo không gian sống của một chiến khu năm xưa, thời chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Là người từng sống với máu và nước mắt trên đất lửa, chắc chắn ông Nguyễn Xuân Liên hiểu hơn ai hết ý nghĩa của việc phục dựng lại những gì xưa kia. Giống như sự thôi thúc từ tiềm thức ám ảnh.
 |
Nếu Quảng Bình có một nơi bé nhỏ khác lạ để đưa bạn bè đến chơi, thì đó chính là Chiến khu xưa này! |
Ngay từ những năm đầu tiên Vực Quành được tái dựng, mình rất mê khu du lịch này. Mình đã đến đây không dưới 10 lần. Có nhiều lúc, chỉ đến một mình. Thường vào buổi chiều vắng, chọn một chỗ nào đó khuất nẻo giữa Vực Quành, ngồi im lặng thật lâu để lắng nghe những nhịp thở từ xa xăm vọng về, mang mang nỗi niềm hoài cổ.
Tất cả bạn bè mình từ nơi đâu đến thăm Quảng Bình đều được kéo vào đây.
 |
Lối vào Chiến khu xưa đẹp liêu trai như trong tranh thủy mặc |
Mình may mắn quen biết bác Nguyễn Xuân Liên, tuy rằng chưa bao giờ gặp mặt. Lần đầu tiên đưa những bức ảnh này lên Yahoo! 360 Plus, bác Liên có vào còm-ment cảm ơn. Năm 2012 qua Facebook mình nhiều lần nói chuyện với ông. Quả là một con người có tình yêu Quảng Bình nồng nhiệt. Chỉ cần xem những gì ông viết là thấy phơi lộ cả tấm chân tình. Nói thẳng ra tình yêu của ông làm cho bản thân mình cảm thấy hổ thẹn. Nhiều lúc tự hỏi, một người Hà Nội có thể đổ hết tâm huyết cho mảnh đất này, tại sao không có người con Quảng Bình chung sức? Ông Liên bỏ tất cả sức lực và tiền bạc ông có để dựng nên Vực Quành, nhưng những gì ông nhận lại thật đắng đót.
Cảm nhận của riêng mình bác Liên là một người cá tính và rất thẳng, đôi lúc đến mức cực đoan. Dịp 19/2/2013, ông hỏi mình có quan tâm đến sự kiện kỷ niệm chiến tranh biên giới phía Bắc và vấn đề Bôxit Tây Nguyên không? Mình trả lời rằng, tất cả các vấn đề thời sự cháu đều theo dõi có chính kiến của riêng mình, nhưng hiện tại vì một số lý do cá nhân mà cháu không muốn trao đổi nhiều về chuyện chính trị. Ông lập tức shared trên Facebook một bài phê phán sự hèn nhát của những người "không muốn nói chuyện chính trị". Chắc ông rất thất vọng. Từ đó về sau mình với ông không liên lạc với nhau.
Công bằng mà nói, nếu biết tận dụng Vực Quành để làm du lịch đúng nghĩa, nó sẽ là một điểm du lịch hoài niệm hái ra tiền. Mình đánh giá rất cao sự độc đáo của Vực Quành, chắc chắn du khách nước ngoài sẽ rất yêu thích nó. Không gian Vực Quành thích hợp với cả trẻ con và người lớn, lại đủ thoáng rộng mê hoặc. Vấn đề là phải tổ chức cho được các dịch vụ dã ngoại, không phải chỉ có đi và nhìn. Làm sao để kết nối tour và giữ chân các đoàn khách đến tối thiểu nửa ngày, vừa tham quan vừa vui chơi, ăn uống... Về tiền bạc, mình nghĩ nếu có kế hoạch chu đáo, không một người Quảng Bình nào lại không muốn chung tay góp sức vào. Cái Vực Quành thiếu có lẽ là một doanh nhân chuyên nghiệp.
Quả đắng của sự thờ ơ chung là một Vực Quành tàn phai như hiện trạng. Mình nghe một người bạn nói, bây giờ bác Liên chán đến mức chẳng thèm đặt chân vào lại Quảng Bình. Vực Quành thì đang trên đà sụp đổ. Thỉnh thoảng mình vẫn ghé ngang qua. Nhìn cánh cổng mục gỉ chợt thót tim chẳng dám bước vào, chỉ biết đứng thật lâu để trong lòng nhói lên những câu thơ cũ:
Thành quách ở đây, anh hùng nơi đâu?
Lòng ta nhói đau qua miền Tần Hán [1]
Thật sự rất buồn, giống như lạc giữa miền âm vọng điêu tàn ảo não.
+of+IMG_0997.JPG) |
Những căn nhà thoáng rộng giữa rừng cây |
 |
Các cựu chiến binh ngoại quốc vô cùng thích thú |
 |
Không chỉ riêng người lớn mà các em nhỏ cũng rất thích thú |
 |
Ông Liên buồn bã bên đống đổ nát sau khi một căn nhà bị đốt cháy |
 |
Hiện tại buồn với tương lai bất định |
-------
[1] Hai câu này trong phim Anh hùng xạ điêu của CCTV, chỉ nhớ mang máng.